Nguồn gốc nhân sự Bắc phủ binh

Sử sách chỉ chép tên tuổi của những đầu lĩnh Bắc phủ binh [3][4] mà không nhắc đến việc chiêu mộ binh đinh.

Vậy nhà Tấn có chiêu mộ binh đinh hay không? Ngày Canh Thân, tháng 5 năm Thái Hưng thứ 4 (321) đời Tấn Nguyên đế có chiếu: "Nay miễn cho dân lành Trung Châu gặp nạn phải làm đồng khách (tức là đứa ở) của các quận Dương Châu, để chuẩn bị sung binh dịch." [7] Đây là ghi chép đầu tiên về việc nhà Tấn chiêu mộ binh đinh, đối tượng là những lưu dân phương bắc nhỏ tuổi, sau khi đến miền nam vì nghèo đói mà trở thành đứa ở; như 1 biện pháp nhằm giải quyết vấn đề lưu dân.

Khi ấy ở khắp 7 châu Từ, Duyện, Ký, Thanh, U, Tịnh, Dương có đến 22 vạn nhân khẩu kiều ngụ, vượt quá cư dân địa phương hơn 2 vạn. Nhà Đông Tấn thiết lập các kiều quận, kiều huyện để quản lý, đứng đầu những nơi đều do lưu dân đề cử. Khi Si Giám trấn thủ Kinh Khẩu, đã thấy "dưới quyền hỗn tạp, phần nhiều là người phương bắc" [8]. Bọn Lưu Lao Chi đã được tuyển chọn như vậy!

Theo Tư trị thông giám, năm Thái Nguyên đầu tiên (376) đời Hiếu Vũ Đế, "dời lưu dân Hoài Bắc đi Hoài Nam" là ghi chép đầu tiên về việc dịch chuyển lưu dân của triều đình Đông Tấn. Tấn thư - Tạ Huyền truyện, Tư trị thông giámTống thư - Ngũ hành chí đều chép có đại ý như sau: "Nhà Tiền Tần vây Chu Tự ở Tương Dương, vây Đái Độn ở Bành Thành. Xa kỵ tướng quân Hoàn Xung cầm quyền, vào tháng 4 năm Thái Nguyên thứ 3 (379), gọi Tạ Huyền giao ra dân đinh của 3 châu (Từ, Duyện, Thanh), sai Bành Thành nội sử Hà Khiêm vượt Hoài, Tứ, để cứu Độn."

Như vậy, Bắc phủ binh là do lưu dân phương bắc hưởng ứng lời chiêu mộ của Tạ Huyền, kết hợp với lực lượng có sẵn ở Kinh Khẩu, Quảng Lăng, mà phần nhiều cũng là lưu dân phương bắc.